Phát triển thị trường sản phẩm tái chế từ chất thải góp phần giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường, vừa mang lại lợi ích kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường – các chuyên gia đánh giá về tiềm năng thị trường này trong một hội thảo mới đây ở Hà Nội.Tái chế là hoạt động thu hồi lại từ chất thải các thành phần có thể sử dụng để chế biến thành những sản phẩm mới sử dụng lại cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Tại Việt Nam, đa số chất thải rắn được sử dụng để tái chế là phế liệu như lon nhôm, nhôm các loại; nhựa các loại, túi nylon; sắt vụn; giấy, bìa carton; nhớt cặn; thủy tinh; gang, đồng; cao su; vải vụn… – ông Nguyễn Thành Lam, Cục Quản lý Chất thải&Cải thiện Môi trường, Tổng cục Môi trường, cho biết.
“Việc tái chế chất thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt”, ông Lam nói, “Việc tái chế còn giúp chúng ta thu hồi các loại nguyên liệu như nhựa, giấy, kim loại…tránh lãng phí tài nguyên, ngăn ngừa được sự ô nhiễm…”
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyê&Môi trường, khẳng định tiềm năng tái chế chất thải tại Việt Nam rất lớn. Hàng năm, có hàng ngàn tấn chất thải tại Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến đời sống cũng như môi trường.
“Việc tái chế chất thải không chỉ mang lại kinh tế mà còn tránh được những nguy cơ về môi trường. Nhưng thực tế thì vấn đề này vẫn còn hạn chế, thị trường tái chế chất thải tại Việt Nam vẫn chưa phát huy được hiệu quả”, ông Chinh nhấn mạnh.
So với nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới, sản phẩm tái chế từ chất thải ở Việt Nam chưa nhiều nhưng thị trường của sản phẩm này cũng xuất hiện khá phổ biến. Những loại sản phẩm đó không phân tách rõ đâu là thị trường của sản phẩm ái chế, đâu là thị trường của sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu lần đầu.
Mặc dù chưa xác định rõ ràng đâu là thị trường sản phẩm tái chế nhưng trong một số trường hợp chúng ta có thể nhận thấy rõ cơ hội cho thị trường này phát triển như thị trường sản phẩm tái chế kim loại, đồ nhựa, thủy tinh.
Việc tiêu thụ sản phẩm tái chế mặc dù chưa được nhận thức rõ ràng nhưng với những mặt hàng truyền thống, thực chất là sản phẩm tái chế đang được mua bán trao đổi trên thị trường là tiền đề quan trọng để mở rộng và phát triển thị trường sản phẩm tái chế.
Để sản phẩm tái chế đến tay người tiêu dùng, nhất là những sản phẩm có tác động tới sức khỏe, đòi hỏi phải cần có quy trình kỹ thuật sản suất và giám sát nghiêm ngặt theo các tiêu chí an toàn và đảm bảo chất lượng để người tiêu cùng có độ tin cậy đối với sản phẩm tái chế trên thị trường.
Xu hướng chung của thế giới trong thời gian tới sẽ chuyển từ mô hình phát triển “kinh tế nâu“ sang “kinh tế xanh”, Việt Nam đã có chiến lược tăng trưởng tăng trưởng xanh, là cơ hội phát triển thị trường sản phẩm tái chế chất thải được sự khuyến khích và định hướng của quốc gia.
“Sự phát triển của thị trường tái chế góp phần giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường và hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn vật chất phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và trong tương lai đó là “nền kinh tế xanh”, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường”, ông Chính nhấn mạnh.
Theo ông Lam, để tận dụng những lợi ích từ nguồn chất thải lớn tại Việt Nam, mang lại hiệu quả cao trong vấn đề tái chế chất thải, trong thời gian tới, bên cạnh việc phải có những chính sách phù hợp để xã hội hóa vấn đề tái chế chất thải thì việc thông tin, giáo dục, nâng cao nhận thức về tái chế chất thải cần được quan tâm.
Còn ông Chinh cho rằng để phát triển thị trường sản phẩm tái chế ở Việt Nam, chúng ta phải xác định được những cơ hội và thách thức, từ đó có những chính sách phù hợp khuyến khích thị trường này phát triển đúng hướng là động lực thúc đẩy tái chế chất thải ở nước ta phát triển theo cách mà các nước đi trước đã làm như Nhật Bảm, Đức, Hàn Quốc, Singapore, v.v…, coi chất thải không phải là thứ phải xử lý mà chất thải là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm tái chế.